Nhà Nghỉ, Homestay tại Mộc Châu- "thỏi nam châm" hút khách du lịch bốn

Thg 1113

Nhà Nghỉ, Homestay tại Mộc Châu- "thỏi nam châm" hút khách du lịch bốn phương

HotroHRVTin tức

Cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La được khắc họa bởi màu xanh ngút ngàn những đồi chè, trang trại bò sữa, những vườn hoa đào, hoa mận, hoa mai khoe sắc trắng, sắc đỏ bên sườn núi biếc. Mộc Châu còn giúp du khách trải nghiệm loại hình du lịch cộng đồng (Homestay) độc đáo, thú vị.

Mộc Châu đẹp bốn mùa, bất kỳ ở thời điểm nào trong năm, khách tham quan đều có thể khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và nền văn hóa đặc sắc ở vùng đất cao nguyên. Phát huy những lợi thế thiên nhiên ưu đãi, ngành du lịch Mộc Châu đang tập trung phát triển vào du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tham quan sinh thái, dã ngoại gắn với phát triển nông nghiệp.

Mộc Châu có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống hòa thuận, mỗi dân tộc có sự khác biệt về trang phục, ẩm thực, phong tục, tập quán, phương thức canh tác, các lễ hội lâu đời tạo nên những sắc thái văn hóa đậm bản sắc. Sự đa dạng văn hóa là một lợi thế quan trọng để Mộc Châu phát triển Du lịch. Mặt khác, Mộc Châu được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp như: Rừng thông Bản Áng, thác Dải Yếm, Ngũ động bản Ôn, Thung lũng mận Nà Ka, đỉnh Pha Luông; nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng với 2 di tích cấp quốc gia (Hang Dơi, Đồn Mộc Lỵ) và 11 di tích cấp tỉnh…

Ngành du lịch Mộc Châu trên đà phát triển mạnh, có mức tăng trưởng cao. Trên địa bàn huyện có khoảng 220 cơ sở lưu trú, 12 khách sạn từ 1 đến 4 sao; gần 5.000 lao động trong lĩnh vực du lịch. Kết quả khảo sát 5 năm gần đây, mỗi năm Mộc Châu thu hút khoảng 1,2 triệu lượt khách du lịch; doanh thu xã hội đạt trên 1.100 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, ngành du lịch Mộc Châu tạo điều kiện cho người dân phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp; tập trung xây dựng các bản du lịch cộng đồng như bản Áng (xã Đông Sang); các điểm du lịch cộng đồng tại bản Dọi 1 (xã Tân Lập); bản Vặt (xã Mường Sang); bản Tà Số (xã Chiềng Hắc). Chủ trương phát triển du lịch này không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch mà còn giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu lao động, xóa đói giảm nghèo.

Ông Phan Phúc Tiến, Giám đốc công ty Du lịch sinh thái núi Mộc cho biết: Thực hiện chủ trương đa dạng hóa các loại hình du lịch của địa phương, nhận thấy tiềm năng của loại hình dịch vụ Homestay. Năm 2018, ông đã đầu tư, triển khai khu Du lịch sinh thái núi Mộc, trên diện tích hơn 2 héc ta, tại trung tâm thị trấn Mộc Châu. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng du khách, đơn vị tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng gắn kết du lịch với môi trường, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch, như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...

 Khu du lịch sinh thái núi Mộc, một trong nhiều điểm đến hấp dẫn du khách ở thị trấn Mộc Châu.
 Không gian xanh tại khu du lịch sinh thái.
 Một góc thị trấn Mộc Châu nhìn từ Khu du lịch.
“Để du khách đến với cao nguyên Mộc Châu trải nghiệm văn hóa, thiên nhiên theo cách chân thực nhất, những người làm du lịch cộng đồng đề cao ý thức bảo tồn thiên nhiên, kết hợp những giá trị văn hóa truyền thống, để phát triển du lịch bền vững”, ông Tiến chia sẻ. 

Điểm sáng du lịch cộng đồng ở Vân Hồ

Trên cung đường kỳ vỹ khám phá Tây Bắc, bên quốc lộ 6 mùa này hoa đào đã khoe sắc. Đào ở Sơn La rất đa dạng, từ đào rừng, đào cổ, đào mèo…Hoa đào tập trung nhiều nhất tại huyện Vân Hồ và khu vực giáp ranh giữa xã Tân Lập với thị trấn Nông trường Mộc Châu. Dựa vào lợi thế thiên nhiên, nhiều hộ gia đình tại huyện Vân Hồ đã cải tạo các vườn đào thành điểm tham quan đặc biệt cho du khách.

Chị Bùi Thị Hiền - Giám đốc điều hành Vân Hồ Ecolodge tại xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cho biết: Chính thức đi vào hoạt động ngày 18/6/2018, Vân Hồ Ecolodge được thiết kế không gian mở với 8 bugalow, 1 nhà sàn dân tộc Thái, Mường, 1 nhà đặc trưng dân tộc Mông, các nhà nghỉ cộng đồng dựng theo phong cách nhà dân tộc Thái, Mường, H’Mông có sức chứa 16 người/nhà. Điểm nhấn hoạt động du lịch ở đây là hướng tới khai thác các giá trị bản địa như: Phong tục tập quán lâu đời, các hoạt động dân gian như múa xòe Thái, ném Pao, thêu thổ cẩm truyền thống, hát dân ca cổ, cùng săn mây suối Bon, hang Kia để tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách đến điểm du lịch này.

Vân Hồ Ecolodge bình yên, gần gũi, thiên nhiên và con người hòa quyện, các hoạt động du lịch cộng đồng ở đây giúp du khách trải nghiệm ngủ nhà sàn truyền thống, nằm đệm bông gạo, thưởng thức đặc sản của núi rừng như thịt trâu gác bếp, cá suối nướng, bê chao, xôi ngũ sắc, rau rừng và hương nồng của rượu ngô men lá.

Những nét độc đáo trong bản sắc văn hóa truyền thống cùng sự sáng tạo của người làm du lịch ở Vân Hồ Ecolodge tạo cho nơi đây có sức hấp dẫn riêng, đồng thời giới thiệu một điểm đến thú vị trong hành trình khám phá các bản làng vùng Tây Bắc.

 Trong tiết trời se lạnh, sắc đào sớm ở Vân Hồ tạo một nét chấm phá tuyệt đẹp cho không gian cao nguyên.
 Sự đa dạng trong đời sống, văn hóa của cộng đồng dân tộc nơi đây tạo nên những sắc thái văn hóa sinh động.
 Những năm gần đây Vân Hồ Ecolodge tại bản Hua Tạt, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã trở thành điểm dừng chân thú vị với nhiều du khách trên cung đường khám phá Tây Bắc.
 Khu nghỉ dưỡng yên bình có thiết kế đậm bản sắc văn hóa các dân tộc vừa pha chút cổ điển và gần gũi với thiên nhiên.
 Một góc khu nghỉ dưỡng cộng đồng của Vân Hồ Ecolodge.

Bản Hua Tạt điểm đến du lịch hấp dẫn của người H’Mông

Nằm dọc theo Quốc lộ 6, hướng Hà Nội đi Sơn La, cách cao nguyên Mộc Châu khoảng 15km, bản Hua Tạt của người H’Mông xinh đẹp và yên bình giữa đất trời Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Bản Hua Tạt được du khách biết đến là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, các homestay mang phong cách hiện đại, độc đáo, nhưng vẫn đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc H’Mông vùng cao Tây Bắc.

Chị Hàng Thị Sua người H’Mông tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ một gia đình đã 7 năm làm du lịch cộng đồng cho biết: Sau khi nhận được tư vấn, khảo sát, hợp tác của đơn vị du lịch lữ hành ở TP. Hồ Chí Minh, gia đình chị bỏ ra 150 triệu đồng mua lại một ngôi nhà dân tộc Thái tu sửa và dựng trên đất nhà mình làm du lịch. Tháng 8 năm 2015, chính thức đi vào hoạt động, sau vài năm, đến nay bình quân gia đình chị đạt 300 khách/tháng, với mức bình quân 450.000/khách, doanh thu từ hoạt động du lịch của gia đình chị khoảng 120 triệu đồng/tháng. Phần lớn du khách đến đây chủ yếu đi trải nghiệm, nghỉ dưỡng, các đoàn khách có trẻ em tới thăm quan làng bản, tìm hiểu văn hóa đồng bào nơi đây. Sắp tới để thu hút khách du lịch, gia đình chị dự kiến đưa thêm một số hoạt động như tắm thuốc, ngâm chân của người H’Mông, tổ chức quầy bán các sản phẩm lưu niệm của đồng bào dân tộc nơi đây cho du khách...

 Một góc Homestay A Chu - nơi du khách lưu trú, nghỉ dưỡng.
 Ngôi nhà sàn - Homestay A Chu đặc biệt hơn tất cả những ngôi nhà khác trong bản bởi sự bề thế, sàn nhà được lát gỗ dày và sạch sẽ.
 Nhà sàn có quầy bar, bàn cho khách ngồi ăn uống, ngắm cảnh thiên nhiên, được trang trí bằng những vật dụng địa phương, mang dáng dấp truyền thống của người H’ Mông.
 Giới thiệu sinh hoạt của đồng bào H’Mông tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Cũng như gia đình chị Hàng Thị Sua, bản Hua Tạt còn có nhiều hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú cho khách du lịch, nổi bật là các hộ A Sếnh, A Giàng, A Thống, A Sang. Đây là những điển hình làm du lịch cộng đồng để người dân trong bản học tập.

Các điểm du lịch cộng đồng ở Mộc Châu hiện tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Trong đó có Khu du lịch sinh thái rừng thông Bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu. Qua tìm hiểu riêng khu vực rừng thông Bản Áng có hơn 30 nhà nghỉ Homestay, thời điểm đầu năm 2019 hầu hết đều kín khách khi vào mùa du lịch. Nhiều hộ dân ở gần các điểm du lịch nổi tiếng ở Mộc Châu còn linh hoạt trong việc phát triển dịch vụ du lịch mới, chuyển đổi cây trồng hiệu quả thấp sang trồng tam giác mạch, hoa cải để phục vụ nhu cầu tham quan, chụp ảnh của du khách.

Trải nghiệm du lịch cộng đồng tại Mộc Châu, chị Nguyễn Thúy Vân một du khách đến từ Hà Nội thích thú cho biết: Được tham gia nấu những món ăn dân tộc Thái với nguyên liệu có sẵn trong vườn hay trải nghiệm các sinh hoạt đời thường của đồng bào H’Mông như: lên rừng hái lá thuốc, leo núi; xuống suối bắt cá... tôi rất ấn tượng và thú vị với những nếp sống của những người dân vùng Tây Bắc.

Không chỉ nổi tiếng với những nương chè xanh, những đồng cỏ rộng mênh mông và những đàn bò sữa thong dong gặm cỏ. Khách du lịch Mộc Châu còn dành thời gian chiêm ngưỡng những mùa hoa nở. Từ màu hồng phớt của cánh hoa đào, trắng tinh khôi của hoa ban, hoa mận hay nhẹ nhàng như hoa cải. Mỗi loài hoa một đặc trưng riêng nhưng đều có nét dung dị như vẻ đẹp của con người và núi rừng Sơn La.

Link tham khảo thêm một số nội dung bài viết về du lịch Mộc Châu

Ăn uống ẩm thực ở Mộc Châu

Các điểm check in đẹp ở Mộc Châu

Kinh nghiệm đi du lịch Mộc Châu 2021

Cảnh đẹp không thể bỏ qua của Du lịch Sơn La

Đặt phòng hotel ở trung tâm 2 người ở 250K/ngày

Đặt phòng hotel ở trung tâm 4 người ở 400K/ngày

Hướng dẫn đi du lịch Mộc Châu đảm bảo an toàn 

Review thác nàng tiên Mộc Châu

ĐẶT PHÒNG KHÁCH SẠN MỘC CHÂU ONLINE

Hotel Minh Hải Mộc Châu.

Tiểu khu nhà nghỉ, thị trấn Nông trường Mộc Châuhuyện Mộc Châutỉnh Sơn La

Website https://khachsanmocchau.vn (Đã đăng ký Bộ Công Thương)  Điện thoại 0906065996.